Thứ năm, 28/3/2024
Thứ sáu, 12/10/2018, 08:54 (GMT+7)

Các nhà hát ở TP HCM đang hoạt động ra sao

Nhà hát lớn TP HCM kín lịch diễn, còn Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang đìu hiu vì cơ sở vật chất không đảm bảo.

Nằm ở trung tâm quận 1, trên trục đường Đồng Khởi, Nhà hát TP HCM là một trong những công trình có địa thế đẹp nhất ở trung tâm thành phố. Được xây dựng khoảng năm 1898 và khánh thành từ đầu thế kỷ 20, đến nay công trình vẫn giữ nét kiến trúc cổ điển do người Pháp xây dựng. Đây là nơi Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch TP HCM (HBSO) thuê làm địa điểm biểu diễn và công tác hơn 20 năm qua.

Với hai lầu và hơn 470 ghế, nơi đây thường xuyên tổ chức các chương trình âm nhạc đa thể loại, nhất là dòng hàn lâm, nghệ thuật dân tộc, múa ballet đòi hỏi những tiêu chuẩn nhất định về hệ thống âm thanh, ánh sáng... Một nhân viên gắn bó lâu năm với nhà hát cho hay lịch diễn kín quanh năm. Đơn vị nào muốn tổ chức chương trình phải đặt lịch trước nhiều tháng.

Cấu trúc hình mái vòm của nhà hát mang đậm phong cách kiến trúc "flamboyant" của Pháp. Lần đại tu gần nhất cách đây hơn 10 năm, đến nay hầu như không cần phải sửa sang nhiều, thỉnh thoảng chỉ thay thế nội thất hư tổn như ghế, đèn... Ngoài chức năng biểu diễn nghệ thuật, nhà hát còn được cho thuê để tổ chức các sự kiện, các buổi trao giải, hội thảo lớn.

Nghệ sĩ violon Bùi Công Duy nhận xét hạn chế của Nhà hát TP HCM là sân khấu nhỏ, nông. Khi biểu diễn giao hưởng, các nghệ sĩ thường thiếu chỗ đứng. "Quy mô địa điểm này tương đương với nhà hát nhỏ ở nhiều quốc gia. Ở các nước phát triển, khán phòng nhà hát lớn lên đến 2.000 - 2.500 chỗ ngồi", Bùi Công Duy chia sẻ. Anh Chi - quản lý phòng hòa nhạc Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam - từng đến tham quan Nhà hát TP HCM. Theo anh, qua năm tháng, cơ sở hạ tầng, hệ thống cách âm của nhà hát có phần xuống cấp.

25 năm qua, HBSO thuê tầng hầm làm phòng làm việc. Người phụ trách truyền thông đơn vị này chia sẻ thỉnh thoảng, khi thành phố lấy không gian để tổ chức các chương trình ngoại giao đột xuất, các buổi diễn của HBSO phải trả vé hoặc lùi lịch. 

Nhà hát không có phòng riêng chứa đạo cụ, phải tận dụng cánh gà khi có chương trình biểu diễn. 

Nhà hát Hòa Bình (quận 10) nằm trên tổng khuôn viên có diện tích 16.500 m2. Nơi này hiện là điểm diễn có sức chứa lớn nhất TP HCM với gần 2.500 ghế ngồi. Được khánh thành từ năm 1985, đến nay, đây là điểm diễn của nhiều loại hình nghệ thuật, giải trí đa dạng: các show nhạc đa thể loại của nghệ sĩ quốc tế như Bryan Adams, John Denver, Air Supply, nhiều liveshow của ca sĩ trong nước, xiếc, kịch, cải lương, các lễ trao giải... Những năm về sau, nhà hát này được tận dụng làm rạp chiếu phim. 

So với các nhà hát khác, sân khấu ở đây có bề rộng và sâu hơn, có thể đáp ứng ý tưởng dàn dựng, sắp đặt cảnh trí của nhiều chương trình. Song những năm gần đây, theo người trong nghề hệ thống âm thanh và ánh sáng xuống cấp. Phó giám đốc HBSO - NSƯT Nguyễn Tấn Anh - đánh giá nhà hát này không thỏa mãn các tiêu chí cơ bản của những chương trình hòa nhạc hàn lâm.

Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (quận 1) - tiền thân là rạp Hưng Đạo - từng được xem là "thánh địa" của các đoàn cải lương Sài Gòn xưa. Thành lập vào thập niên 1960, thời hoàng kim, nơi đây chỉ dành cho những gánh hát lớn. Sau khi được xây mới với kinh phí 132 tỷ đồng, nơi đây đổi tên thành Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Ban giám đốc cho rằng sàn diễn nhỏ hơn so với rạp cũ, dàn đèn không hiện đại, thiếu an toàn, hệ thống âm thanh che tầm nhìn người xem... Sinh thời, cố nghệ sĩ Út Bạch Lan từng chia sẻ nỗi buồn khi thấy rạp Hưng Đạo sửa mới lại không đáp ứng được nguyện vọng của giới nghệ sĩ, khán giả mộ điệu trong việc vực dậy loại hình nghệ thuật này.

Năm 2016, công trình này bị thanh tra để xử lý sai phạm trong quá trình xây dựng.

Dù đã đi vào hoạt động nhiều năm qua, nhà hát này vẫn không nằm trong lựa chọn của các nghệ sĩ cải lương. Đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ chỉ ra, sân khấu nơi đây chỉ rộng 10 m, thiếu cánh gà để chuyển cảnh trí, sàn sân khấu lại thấp so với khán phòng... Hiện các đơn vị doanh nghiệp, trường học... thuê tổ chức các vở kịch hoặc diễn văn nghệ tại đây.

Nhà hát Bến Thành (quận 1) có hai lầu với sức chứa hơn 1.000 ghế. Những năm gần đây, nhà hát cải tiến hơn về âm thanh với hệ thống máy móc do Nhật Bản viện trợ. Nhiều vở kịch, tuồng cải lương... diễn gần đây như Ngày xửa ngày xưa, Tiên Nga, Đời cô Lựu... Tuy nhiên, theo đạo diễn Hoa Hạ - từng dựng vở Thái hậu Dương Vân Nga ở đây, giá thuê còn cao so với mặt bằng chung của các sàn diễn.

Ngoài sân khấu chính ở lầu một, Trung tâm văn hóa Bến Thành còn cho thuê một phần làm câu lạc bộ thể hình, nhà hàng tiệc cưới...

Nhà hát Quân đội (quận Tân Bình) được khánh thành từ năm 2009. Vì là đơn vị văn hóa thuộc Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, nhà hát chủ yếu dùng để biểu diễn, tập huấn các hoạt động văn nghệ trong quân đội. Ngoài ra, nơi đây cũng từng là địa điểm ghi hình của nhiều chương trình như Bài hát Việt, Vietnam's Got Talent, Vietnam Idol, Nhịp cầu âm nhạc...

Hiện sân khấu của nhà hát này vẫn thường được các đơn vị thuê mướn làm điểm tổ chức, với sức chứa trung bình - khoảng 800 chỗ ngồi. Do là quận ở xa trung tâm thành phố, nơi đây không được chuộng làm nơi diễn định kỳ của các đoàn ca nhạc, kịch, cải lương...

Hội đồng Nhân dân TP HCM vừa thông qua dự án xây dựng nhà hát giao hưởng tại khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2) với kinh phí dự kiến 1.508 tỷ đồng.

Mai Nhật - Trần Quỳnh