Thứ tư, 24/4/2024
Thứ sáu, 11/11/2016, 13:31 (GMT+7)

Cuộc chơi Lãnh Mỹ A kỳ công của Công Trí

Nhà thiết kế ra mắt bộ sưu tập thời trang với chất liệu vải quý của Việt Nam tối 10/11 tại Hà Nội.

Bộ sưu tập mới của Công Trí được tổ chức trong một khán phòng nhỏ để khán giả có thể ngắm chất liệu Lãnh Mỹ A ở khoảng cách gần.

Toàn bộ thiết kế lần này được phối kèm trang sức sơn mài và sandals platform (giày độn gót cả trước lẫn sau). Hình dáng của chiếc lá tre và kỹ thuật đan lát trên quạt mo gợi cảm hứng cho từng mẫu thiết kế.

Dưới bàn tay nhà thiết kế, Lãnh Mỹ A (còn gọi là "lụa sơn mài") được thể hiện trên những phom dáng cơ bản dễ mặc. Đó là các bộ váy liền thân dáng suông, váy chữ A, áo vest, áo sweatshirt (chui cổ) bo gấu, chân váy midi, quần cạp cao... Các trang phục được nhấn nhá chi tiết xếp - dập ly, đan tết vốn là dấu ấn riêng của Công Trí. 

Công Trí khéo đặt các tông đen đứng cạnh nhau, tạo sự chuyển biến về sắc màu đa dạng.

Được coi là nữ hoàng của các loại tơ tằm, Lãnh Mỹ A từng chỉ dành cho những quý cô thuộc gia đình thượng lưu. Cuộc chơi chất liệu của Công Trí xa xỉ ở quá trình kỳ công tạo nên một thước vải. Ở bộ sưu tập "Lúa" đầu năm nay, nhà thiết kế từng xuống xưởng dệt, trực tiếp tạo khuôn vải lãnh cùng gia đình nghệ nhân Tám Lăng - gia đình duy nhất còn giữ nghề truyền thống làm Lãnh Mỹ A. Loại vải này mặc mát vào mùa hè, ấm về mùa đông

Mỗi tấm vải trong bộ sưu tập của Công Trí phải trải qua quy trình sản xuất thủ công tỉ mỉ. Tơ Bảo Lộc về đến xưởng sẽ có thợ chuyên quay tơ se sợi. Mỗi sợi dệt ngang được chập lại từ 8 con kén, sợi dọc từ 10 con kén. Thợ dệt sẽ mắc cửi coi khung, đứng canh mặt vải không rời mắt mỗi giây nhằm tránh lỗi. Nếu thấy tơ gợn lên là phải gỡ, phải giấu được mối nối giữa các đoạn để cây lụa như được dệt ra từ một sợi tơ.

Dệt xong, một người thợ sẽ cầm kính lúp soi từng milimet vải để sửa những vết tơ hằn trên mặt lụa. 100 kg quả mặc nưa xay nhỏ đủ nhựa cho 20 m lụa. Người thợ dùng vải xô, lược nhiều lần để lấy hết phần mủ đặc, rồi đem hòa với nước. Sau đó, họ mắc từng cây lãnh trên cọc gõ, vắt và nhúng vào thùng nhựa mặc nưa.

Cần khoảng sáu tháng để dệt và nhuộm một tấm Lãnh Mỹ A. Loại vải này không chịu được nắng gắt, lại rất kén chỗ phơi. Sự bất định của thời tiết, thời vụ khiến quá trình xử lý chất liệu tùy thuộc vào kinh nghiệm người thợ. Quy trình gian khó này thôi thúc Công Trí chinh phục loại vải xa xỉ của Việt Nam.

Bên cạnh những bộ đồ mang dáng dấp công sở, nhà thiết kế còn xử lý vải lãnh trên phom dáng trang phục dự tiệc, kết hợp vải voan xuyên thấu. 

Một thiết kế có đường cắt phóng khoáng, hiện đại và trẻ trung.

Người mẫu Kim Nhung catwalk với bộ váy được gợi cảm hứng từ hình ảnh quạt mo.

Nhà thiết kế Công Trí xuất hiện ở cuối màn trình diễn.

Lụa Lãnh Mỹ A được tạo nên thế nào
 
 

Quá trình chế tạo lụa Lãnh Mỹ A.

Ý Ly