Từ 30/3 đến 1/4, tại xã Xuân Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa diễn ra triển lãm nhiếp ảnh mang tên "My day". Đến đây, khán giả được thưởng thức 150 bức ảnh chọn lọc từ gần 10.000 bức ảnh của hơn 70 trẻ em, từ 9 đến15 tuổi.
Triển lãm thu hút các khán giả phần lớn là nông dân. Những người ông, bà, bậc cha mẹ, người hàng xóm... khi đến xem tác phẩm đã không khỏi bất ngờ và xúc động trước góc nhìn về cuộc sống của các em. Thậm chí, họ cũng là nhân vật trong những bức ảnh được treo trang trọng. Cuộc triển lãm này sau đó còn được mang đi nhiều nơi, kể cả các đô thị, thành phố. Tiền từ nguồn thu bán tác phẩm được chuyển vào quỹ khuyến học tại chính quê hương các em.
Người khởi xướng và đứng mũi chịu sào dự án cộng đồng này là một cô gái quê Thanh Hóa sống ở TP HCM - Vũ Thị Bích Hồng.

Bức ảnh "Ông nội và con ngan trắng" do Vũ Thị Hiền 11 tuổi chụp. Em chia sẻ: "Đây là ông nội em. Nhà em có một mảnh vườn nhỏ và nuôi một số con gà, ngan, vịt... Đây là con ngan to nhất đã được mấy tuổi, và em rất thích giúp ông chăm sóc đàn gà vịt này. Ông em ôm con ngan - em chụp lại. Cành sung chi chít quả là nhờ sự chăm sóc của ông em. Với bức ảnh này em muốn nhắn nhủ rằng, mỗi người có công chăm sóc sẽ được hưởng thành quả xứng đáng".
28 tuổi, là cử nhân ngành Nhân học, Vũ Thị Bích Hồng gác những công việc mưu sinh bộn bề của mình để vác ba lô về quê thực hiện dự án ấp ủ: tạo điều kiện cho trẻ em thiệt thòi tại các vùng nông thôn nghèo ở Việt Nam có cơ hội tiếp cận máy ảnh, học cách chụp hình, mô tả cuộc sống thường ngày. Từ đó giúp các em mở thêm một cánh cửa về thế giới tri thức, trí tưởng tượng, óc sáng tạo...
Điều làm Bích Hồng hạnh phúc là được thấy những em bé nông thôn chưa bao giờ biết đến máy ảnh có thể chụp được những bức ảnh đời thường chân thực, khiến người xem rung động.
Cô gái trẻ kể về lý do thôi thúc mình thực hiện chương trình thiện nguyện. Cách đây vài năm, khi tham gia dự án ForestClim về bảo tồn và phát triển rừng của châu Âu tại Đức, Bích Hồng có cơ hội được tham quan, học hỏi tại một số nước như: Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, Nam Phi… Trên những chuyến đi đó, trong lòng cô luôn canh cánh nỗi nhớ về miền quê nhỏ bé của mình. "Trong đầu tôi dấy lên suy nghĩ khi quay về, mình muốn làm điều gì đó để gắn kết hơn với quê hương, đất nước và có ích cho mọi người. Mà nhất là gắn kết với bà con nông dân nơi miền quê thân thuộc của mình", Bích Hồng chia sẻ.
Là một nhiếp ảnh gia tự do, Bích Hồng quyết định chọn nhiếp ảnh để thực hiện dự án nhưng vẫn chưa tìm ra được hướng triển khai. Khi trò chuyện với một số bạn bè nước ngoài ở Đức, Anh, hay Pháp… cô chủ động hỏi họ biết gì về Việt Nam. "Họ nói về chiến tranh và chất độc da cam, thi thoảng có người biết đến vài địa danh du lịch được quảng bá rộng rãi. Lúc đó, tôi kể cho họ một Việt Nam nông nghiệp với những vụ mùa trù phú, những khắc nghiệt của thiên nhiên ở các vùng khác nhau, về cuộc sống của những người dân thường và của những người nông dân thôn quê. Tôi thấy họ rất quan tâm và muốn biết nhiều hơn nữa, cụ thể hơn nữa về điều đó", nữ nhiếp ảnh gia kể.

Các em nhỏ dự án "My day" đi thực tế bằng xe đạp.
Từ đó, Bích Hồng quyết định dùng nhiếp ảnh để tiếp cận trẻ em nông thôn, tìm cách hợp tác cùng các em để phát huy cái nhìn chân thực, hồn nhiên và sống động của các em về cuộc sống xung quanh.
Từ giữa tháng 9/2013 đến ngày 15/2 năm nay, Bích Hồng làm việc với 10 em ở Thanh Hóa để từng bước giúp các em làm quen với máy móc và chụp ảnh. Cô còn tổ chức cuộc thi nhỏ và nhờ bạn bè chấm bộ ảnh cho các em nhằm chọn ra các tác phẩm tốt nhất. Sau đó, dần dần có đến hơn 70 em đăng ký tham gia chương trình.
Khó khăn lớn nhất mà cô gái này phải đối mặt là thời gian và máy móc - kinh phí thực hiện. Bích Hồng sống và làm việc chủ yếu ở TP HCM. Cô cũng thường có những chuyến công tác nước ngoài dài ngày. Trong khi địa bàn triển khai dự án là tại Thanh Hóa. Tất cả việc trình bày ý tưởng dự án, liên lạc với bạn bè, các nhà tài trợ đều được cô thực hiện qua email.
Lúc mới bắt đầu hướng dẫn các em làm quen máy, cô cũng gặp lúng túng vì chỉ có hai chiếc máy ảnh. Bích Hồng phải tự mua thêm vài cái máy du lịch nhỏ để làm vốn cho dự án. Thiếu máy, các em phải chia thành từng nhóm để thay nhau có phương tiện chụp ảnh. Với cô chủ của dự án "My day", việc bị tắt tiếng hay mất hẳn giọng nói là việc không hiếm vì cô phải xoay xở khá vất vả với toàn các em nhỏ. Các buổi huấn luyện kỹ thuật hay dẫn các em đi thực tế rất mệt nhưng lại rất vui. Với các em, cái gì cũng mới mẻ và đầy háo hức để khám phá.
Trong số hơn 70 em tham gia dự án lần này, mỗi em đều có hoàn cảnh riêng, có những em rất khó khăn. Có những em mồ côi cha, hoặc mẹ, hoặc bố mẹ ly di, mẹ đi xuất khẩu lao động... Khi dẫn các bé đến với nhiếp ảnh, Bích Hồng luôn nhắc nhở: "Có thể tấm ảnh của bạn chưa phải là tốt nhất, nhưng cảm xúc của bạn là duy nhất, câu chuyện của bạn là duy nhất".

Bích Hồng bên các học trò nhỏ.
Mỗi khi kể về kỷ niệm với các học trò nhỏ trong những chuyến đi thực tế, Bích Hồng không giấu được sự xúc động lẫn niềm vui lấp lánh trong mắt. Các em chỉ là "nhiếp ảnh gia nghiệp dư" nhưng rất yêu nghề và lăn xả. Có lần, vào dịp gần Tết Nguyên Đán, Bích Hồng dẫn 4 em học trò ra cánh đồng nơi bà con nông dân đang thu hoạch cà chua và khoai lang. Một em học sinh vì muốn tiếp cận thật gần đối tượng chụp ảnh như lời hướng dẫn kỹ thuật mà Bích Hồng đã dạy trước đó nên cố men theo bờ ao, và bị rớt xuống ao. "Tôi sợ quá chạy lại thì thấy em đó đang bơi bơi chân vịt, tay nâng máy ảnh lên cho khỏi bị ướt. Khi lên bờ, bé còn cười tươi và bảo 'may mà máy không việc gì'", cô giáo kể.
Hay chuyện đứa học trò nam thường được gọi là "thằng cu Ba". Em là đứa con út, cũng là đứa thứ ba trong gia đình nhà chị Gái, anh Khang. Anh Khang đã mất, chị Gái một mình nuôi các con rất cực. Khi thấy dự án nhiếp ảnh về với quê mình, em nài nỉ xin mẹ cho tham gia. Khi được cô Hồng nhận, cu Ba mừng mừng tủi tủi, bởi vì cậu bé mong biết chụp ảnh, mong được giải. "Nếu được giải thì được cái máy chụp hình đắt tiền, nếu không được giải thì cũng được cái khung ảnh để mang về thay cái khung hình thờ ảnh của bố. Cái khung hình đó bị gãy từ lâu mà chưa thay được...", Hồng kể.
Từ đầu tới khi thực hiện xong cuộc thi ảnh cho các em bé vùng quê ở Thanh Hóa, Vũ Thị Bích Hồng chỉ nhận được 5 cái máy chụp hình kỹ thuật số du lịch cũ từ bạn bè. Có hai chiếc máy ảnh cô được Tiến sĩ Manuel Seeger (Đại học Trier, thành phố Trier, CHLB Đức) và giáo sư Gebhard Schueler, Viện nghiên cứu sinh thái môi trường, trao tặng. Khi tặng máy cho Bích Hồng, ông Manuel Seeger nghẹn ngào nói: "Đây là chiếc máy tôi mua cho đứa con trai của tôi, nhưng tiếc là nó không thể sử dụng được. Tôi gửi bạn để bạn giúp những trẻ em khác có khả năng". Cô gái trẻ Việt Nam nhận lấy món quà ý nghĩa ấy và cảm ơn ông tiến sĩ Đức. Sau này cô mới biết, ông có cậu con trai bị bệnh thiểu năng não. Sau Thanh Hóa, dự án "My day" tiếp tục đến với khán giả ở nhiều địa điểm tại Hà Nội qua một chuỗi các hoạt động triển lãm kéo dài từ 5/4 đến 6/6. Triển lãm này cũng đến với khán giả TP HCM vào 16h30 ngày 8/4, tại số 138 đường số 1 khu DC Trung Sơn, quận 8 (kéo dài đến hết ngày 15/4), tại số 71/4 Mạc Thị Bưởi, quận 1, từ ngày 17-27/4. Bộ ảnh còn được trưng bày tại Xã Nam Cát Tiên (thuộc vùng đệm vườn quốc gia Cát Tiên) từ ngày 29/4 đến hết tháng 5. Cuối tháng 5, bộ ảnh của các em được trưng bày ở thành phố Neustadt, CHLB Đức |
* Ảnh: Nông thôn qua ống kính trẻ em |
Thoại Hà