Lưu Hà -
Được thành lập từ hai tổ chức tiền thân là Hội Văn hóa cứu quốc và Hội Văn nghệ VN, 50 năm qua, Hội nhà văn đã trở thành mái nhà chung cho 5 thế hệ nhà văn VN và được người lãnh đạo Hội gọi vui là gia đình có "ngũ đại đồng đường". Trong bản báo cáo (chỉ chuyên về thành tích), nhà thơ Hữu Thỉnh đã nhấn mạnh đến 6 đóng góp to lớn của văn nghệ sĩ trong sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ và phát triển đất nước; mở rộng giao lưu quốc tế; xây dựng con người và bản sắc văn hóa Việt Nam. Với không khí "nhà có hội", những thắc mắc về các hạn chế nho nhỏ trong nhiều năm qua cũng đã được ông Hữu Thỉnh chân thành giải đáp.
Internet xuất hiện ở VN đã gần 10 năm, bằng một phần năm khoảng thời gian tồn tại của Hội nhà văn. Nhưng cho đến nay, hệ thống thông tin hiện đại và phổ cập này vẫn là một phương tiện khá xa lạ với tổ chức của các văn nghệ sĩ. Bằng chứng là chưa một ấn phẩm nào trực thuộc Hội được xuất bản bằng hình thức điện tử. Website văn học của Hội Nhà văn được thai nghén trong nhiều năm qua nhưng đến nay vẫn chưa đến ngày khai hoa nở nhụy. Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: "Nhà nước đầu tư cho chúng tôi 2,3 tỷ đồng để làm website. Nhưng các nhà văn vẫn chưa kịp làm quen được với Internet. Vì vậy chúng tôi cứ bàn tới bàn lui mãi, cho tới khi hết hạn, phải nộp tiền lại cho nhà nước". Cách giải thích này đã không làm thỏa mãn những hội viên đang nóng lòng hòa mạng với thế giới. Bởi không ai bắt buộc các nhà văn chỉ quen cầm bút phải đích thân lập website, nếu không đủ năng lực, Hội có thể thuê người làm. Đến đây, nhà thơ Hữu Thỉnh thừa nhận: "Năng lực của hội viên là dư thừa, nhưng trong chuyện này, tôi nhận lỗi vì bản thân chủ tịch chưa quyết tâm một cách ráo riết". Dự kiến đến quý III/2007, website - cánh cửa số nối căn nhà của Hội với cộng đồng Internet - sẽ được mở cửa.
![]() |
Nhà thơ Hữu Thỉnh: "Tôi chưa ráo riết trong việc làm website của Hội Nhà văn". |
Với một lịch sử nhiều năm gây tranh cãi, giải thưởng Hội nhà văn nhiều năm qua được đánh giá là chỉ mới nhẹ nhàng tác động đến người trong giới chứ chưa tạo được dư luận rộng rãi. Uy tín giải thưởng đặc biệt bị ảnh hưởng khi năm ngoái, nhà thơ trẻ Ly Hoàng Ly thẳng thừng từ chối nhận tặng thưởng cho tập thơ Lô Lô. Nguyên nhân Ly đưa ra là chị "không thấy được sự nghiêm túc trong việc xét giải, ngược lại còn thấy một thái độ thiếu tôn trọng các tác phẩm mà Hội đồng đưa ra để bình bầu". Bên cạnh những "ân oán giang hồ" (chữ của nhà thơ Vũ Quần Phương), được nhiều hội viên tin là có thật trong quá trình chấm giải, hiện tượng thiếu minh bạch của giải thưởng Hội nhà văn còn xuất phát từ sự vênh nhau giữa hai cấp: Hội đồng chuyên ngành và Hội đồng chung khảo trong khi đọc và bình xét tác phẩm. Nhiều tác phẩm dự giải được các Hội đồng chuyên ngành đánh giá cao nhưng khi đưa lên hội đồng chung khảo (nơi có quyết định tối cao) lại bị đánh trượt. Dù thực tế, nhiều thành viên trong Hội đồng chung khảo, vốn tập hợp từ nhiều lĩnh vực khác nhau, không thực sự am hiểu về các lĩnh vực chuyên ngành, dẫn đến thiếu khách quan trong cách đánh giá. Năm nay, Hội nhà văn dự định sẽ bỏ hẳn Hội đồng chung khảo, nhằm phát huy tối đa trách nhiệm của các Hội đồng chuyên ngành.
Xuất phát từ mục đích khuyến khích các tác giả, nhiều năm qua, bên cạnh các Giải thưởng chính thức, Hội còn trao thêm Tặng thưởng. Năm nay, Tặng thưởng sẽ được hủy bỏ, chỉ các tác phẩm xứng đáng (bất kể số lượng nhiều hay ít) mới được trao Giải thưởng. Quyết định này, theo ông Hữu Thỉnh là nhằm tránh được sự khó hiểu cho người đọc về ý nghĩa của mục "tặng thưởng".
Một trong những thành tích của Hội nhà văn suốt nửa thế kỷ qua là "Mở rộng giao lưu văn học quốc tế". Nhưng sự "mở rộng" này cũng chủ yếu mới diễn ra ở mức độ có quan hệ với nhiều tổ chức và quốc gia đồng thời cử nhiều đoàn tham quan, qua lại với các nước trên thế giới. Còn hạt nhân cơ bản của quá trình giao lưu văn học là dịch và xuất bản các tác phẩm vẫn chỉ mới diễn ra hầu như một chiều. Các tác phẩm "dịch vào" nhiều, trong khi số đầu sách "dịch ra" chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhà thơ Hữu Việt nhận xét: "Ra nước ngoài mới thấy tủi thân cho văn học Việt Nam. Quanh đi quẩn lại chỉ có một số nhà văn được dịch ra thế giới như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp..., nhưng trớ trêu là những tên tuổi này lại ít khi "với" tới được các giải trong nước".
Là một trong những sự kiện góp phần kỷ niệm 50 năm thành lập Hội nhà văn nhưng Ngày thơ VN 2007 đã không thành công như mong đợi trước sự lấn lướt của các doanh nhân trên sân chơi của văn nghệ sĩ. Sự cố 100 bài thơ VN hay nhất thế kỷ do Trung tâm Văn hóa doanh nhân bình chọn, dù được coi là không dính đáng đến Hội nhà văn nhưng thái độ im lìm, làm ngơ của Hội đã ít nhiều ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức có trách nhiệm cao nhất đối với sự phát triển của nền văn học nghệ thuật VN này. Khoác cái áo 100 bài thơ VN hay nhất thế kỷ nhưng "tập hợp" này đã vinh danh nhiều tác phẩm xa lạ, vô danh và gạt ra ngoài nhiều thi phẩm kiệt xuất trên thi đàn VN.
Từ 165 hội viên năm 1957, đến nay, Hội nhà văn đã trở thành mái nhà chung cho 1.155 người. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhận xét, với tốc độ phình ra nhanh như vậy, ít nhiều, tiêu chuẩn kết nạp hội viên đã bị hạ xuống trong không khí "vui vẻ cả nhà". Nhưng theo ông, đã như vậy, việc trở thành hội viên nên được bình thường hóa, không cần tổ chức một cách rình rang như nhiều năm qua.
Nằm trong các hoạt động kỷ niệm 50 tròn 50 tuổi, Hội nhà văn sẽ xuất bản 3 tập kỷ yếu: Các nhà văn Việt Nam; Kỷ yếu Đại hội Hội Nhà văn và Kỷ yếu Hội nghị phê bình. Năm nay, lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du cũng được khôi phục và bắt đầu khai mạc vào cuối tháng 5. Lễ kỷ niệm trọng thể 50 năm Hội nhà văn Việt Nam dự kiến diễn ra vào 16/5.