The Tribe là tác phẩm đầu tay của đạo diễn Ukraine - Myroslav Slaboshpytskyi - ra mắt trong hạng mục International Critics' Week thuộc khuôn khổ Liên hoan phim Cannes hồi 2014.
Từ 2015 tới đầu năm nay, phim gây chú ý khi chiếu rải rác trong hệ thống rạp nghệ thuật ở các quốc gia và vùng lãnh thổ châu Âu, Bắc Mỹ và châu Á. Phim được giới chuyên môn và khán giả ca ngợi khi "chu du" qua hơn 20 liên hoan quốc tế rồi nhận gần 50 giải thưởng cùng đề cử. 86% trong tổng số 92 bài phê bình trên chuyên trang Rotten Tomatoes đánh giá phim tích cực với nhận định: "Bộ phim câm dữ dội có lối kể chuyện phá cách hấp dẫn người xem hiện đại".

Ngay sau khi ra mắt ở Liên hoan phim Cannes 2014, "The Tribe" được giới chuyên môn nồng nhiệt ca ngợi là phim đầu tay xuất sắc của đạo diễn Myroslav Slaboshpytskyi.
Dài 130 phút, phim thu hút từ những tuyên bố trong trailer đầu tiên rằng tác phẩm không sử dụng lời thoại, phụ đề hay thuyết minh. Câu chuyện kể về cậu thiếu niên câm điếc nhút nhát - Sergey - mới chuyển đến ngôi trường dành cho trẻ câm điếc ở Ukraine. Sau nhiều lần bị bắt nạt ở trường mới, cậu phải tìm cách hòa nhập vào băng đảng xã hội đen ngầm do các học sinh trong trường cai trị.
Dần dần, Sergey trốn trường theo các đàn anh trong băng nhóm học sinh quyền lực ra ngoài dắt gái bán hoa và cướp giật vào ban đêm. Tổ chức của họ lấy biệt danh là Tribe (Bộ tộc). Cuộc đời Sergey rẽ ngoặt khi cậu dẫn gái thay cho một đồng đảng bị xe tải cán chết. Trong quá trình làm thay công việc, Sergey dần có tình cảm với một trong hai thiếu nữ bán hoa.

Phim kể câu chuyện bạo lực nghẹt thở ở trường học.
Bằng những thước phim giàu tiếng động, tác phẩm phơi bày những góc khuất trong đời sống học sinh ở Đông Âu - nơi nhiều mầm mống tội phạm mại dâm và mafia mọc lên. Ngôi trường trong phim giống một xã hội thu nhỏ, khắc nghiệt và không lối thoát. Đằng sau những bức tường lớn trong khuôn viên giáo dục hiện đại và nhộn nhịp vào ban ngày là thế giới ngầm được phân chia đẳng cấp rõ ràng. Ở đây, những kẻ yếm thế và đơn độc phải cúi đầu chấp nhận bị làm nhục, những kẻ không ngoan buộc phải hoạt động theo cái xấu.
Bước vào thế giới phim, người xem thấy nghẹt thở trước cuộc sống u tối và bạo lực của nhóm thanh thiếu niên giàu năng lượng và thừa máu nóng. Câu chuyện mafia tuổi teen về cuối càng gia tăng bạo lực với những cảnh đánh đấm. Trong không gian đó, nhóm nhân vật tuổi mới lớn dần bị lột trần để trở về với bản năng qua những hành động thể hiện vai trò lãnh đạo băng nhóm, đánh đập kẻ yếu, phá thai và yêu đương. Những chi tiết chân thực làm hiện lên cuộc sống như trong một bộ tộc hoang dã và nguyên thủy.
Đan xen vấn đề bạo lực học đường là câu chuyện tình nồng cháy. Tình yêu nảy nở trên nền bạo lực càng làm phim giàu cảm xúc. Đạo diễn táo bạo khi kể diễn biến tình cảm của cặp nam nữ qua ba trường đoạn làm tình. Trong các cảnh thân mật, hai nhân vật đều không hề che đậy cơ thể. Cùng lúc, màu sắc và ánh sáng trong mỗi phân đoạn thay đổi, giúp khắc họa cảm xúc yêu đương dày vò giữa cặp thiếu niên.
Trong lần đầu tiên, Sergey và thiếu nữ bán hoa do cậu dắt mối vào một căn phòng tối tăm và cô gái chỉ muốn "làm cho xong". Lần thứ hai, họ quấn lấy nhau trong một căn phòng tường xanh sáng sủa. Lần thứ ba, ở căn phòng có ánh sáng hắt từ cửa sổ, anh ta run rẩy trước nỗi sợ mất cô gái. Tình cảm của nhân vật chính với cô gái thể hiện qua sự mạnh bạo xen lẫn nâng niu trước và sau khi họ thân mật. Những cảnh bạo lực và yêu đương khiến phim được dán nhãn "18+" khi chiếu ở Canada, Australia, Nhật Bản và "21+" ở Singapore.

Những cảnh sốc như phá thai được đưa lên hình.
Là phim không có thoại, tác phẩm đầu tay của đạo diễn Myroslav Slaboshpytskyi chứng tỏ sự phá cách trong lối quay, hòa thanh và việc giao tiếp bằng ký hiệu của diễn viên.
Phim chứa nhiều khuôn hình giàu tính thị giác và âm thanh. Trong phim, những tiếng vỗ tay, gõ cửa, tiếng đồ rơi... gần như to hơn bình thường bởi chúng phù hợp với tâm lý của người khiếm thính. Trong khi các diễn viên vào vai thiếu niên câm điếc sử dụng hoàn toàn ngôn ngữ ký hiệu, đạo diễn không cần phụ đề để thể hiện những gì nhân vật nói. Thay vào đó, nhà làm phim hướng người xem vào hình ảnh thông qua những cú máy dài với mục đích thể hiện hành động của nhân vật cùng những điều xảy ra xung quanh họ.
Việc sử dụng ngôn ngữ ký hiệu làm chậm tốc độ đối thoại của diễn viên. Để làm tăng mặt hình ảnh, trong mỗi đối thoại, phim quay biểu hiện thái độ trên khuôn mặt nhân vật rõ nét và sống động. Điều này không chỉ khai thác hết diễn xuất của nhân vật mà còn thể hiện rõ ràng tương quan của các nhân vật - ai lấn át ai, kẻ nào thống trị kẻ còn lại.
Các cú máy tĩnh hoặc cú máy cầm tay bám chặt nhân vật tạo ra không khí căng thẳng cho câu chuyện. Một vài góc quay được chiếu sáng chỉ đủ thấy động tác mang đến một không khí đen tối, trong đó những sự kiện diễn ra dường như được nhìn một cách thản nhiên. Đặc biệt, những cú máy dài trên máy quay đặt tĩnh đem đến trải nghiệm mạnh mẽ, khiến người xem có một cảm giác khó chịu với những điều nhìn thấy. Những cảnh quan trọng được quay cận, tả thực và lồng ghép với cảnh quay dài bắt trọn cảm xúc của nhân vật.
Trailer phim "The Tribe" |
|
Duy Vũ