Thứ sáu, 29/3/2024
Thứ năm, 3/3/2016, 09:48 (GMT+7)

83 năm King Kong 'tiến hóa' trên phim trước khi đến bối cảnh VN

Chào đời trên màn bạc năm 1933 trong bộ phim cùng tên, King Kong là một trong trong những quái thú biểu tượng của lịch sử điện ảnh.

Năm 1933, phim King Kong của hãng RKO ra đời. RKO là một trong năm trường quay lớn nhất Hollywood thời đó. Tác phẩm kể về một chú vượn tiền sử khổng lồ tên Kong phải chết vì muốn sở hữu một cô gái xinh đẹp. Hai tác giả Cooper và Edgar Wallace là cha đẻ cho câu chuyện về Kong. 

Phim là tác phẩm tiên phong sử dụng hiệu ứng đặc biệt - công nghệ stop-motion (dừng chuyển động) - khi điện ảnh vẫn đang trong thời kỳ phim câm. Năm 1991, phim được Viện phim Mỹ chọn lưu trữ vì quan trọng về mặt văn hóa, lịch sử và thẩm mỹ. Tác phẩm cũng được trang Rotten Tomatoes xếp là phim kinh dị vĩ đại nhất mọi thời đại.

Phần hai của King Kong ra mắt cùng năm 1933, lấy nhan đề là Son of Kong. Tác phẩm do cùng êkíp sáng tạo King Kong làm, kể về chuyến thám hiểm tới hòn đảo đầu lâu và phát hiện ra con trai của khỉ Kong. Kỹ xảo trong Son of Kong vẫn y nguyên như trong King Kong.

Năm 1962, hãng phim Toho của Nhật Bản đưa khỉ Kong tái xuất màn bạc trong phim King Kong vs. Godzilla (1962). Trong tác phẩm này, khỉ Kong đối đầu với quái vật Godzilla - nhân vật quái thú khổng lồ nổi tiếng không kém Kong. Đây là lần đầu tiên hai nhân vật Kong và Godzilla được làm trên phim màu. Quái vật Kong trong phim này cũng khổng lồ hơn trong các phim trước đó. 

King Kong đối đầu quái vật Godzilla
 
 

Video Kong đánh nhau với quái vật Godzilla trong phim lấy bối cảnh ở Nhật Bản và ra mắt năm 1962.

Năm 1967, hãng Toho tiếp tục đưa Kong trở lại màn ảnh trong phim King Kong Escapes. Trong tác phẩm này, quái vật Kong phải đối đầu với một gã người máy có hình dạng giống hệt Kong. 

Năm 1976, hãng Paramount làm lại phiên bản gốc từ năm 1933. Nhờ những cải thiện đột phá về mặt hiệu ứng đặc biệt, tác phẩm giành giải Oscar dành cho kỹ xảo hình ảnh. Trong phim này, quái vật Kong có khoảnh khắc đứng trên nóc của tòa tháp đôi tại Trung tâm thương mại Thế giới ở New York.

Nữ diễn viên Jessica Lange làm mỹ nhân đóng cặp cùng quái vật Kong và trở nên nổi tiếng nhờ vai diễn trong phim. Có ngân sách 24 triệu USD, phim sau đó thu về 90 triệu USD. Nếu tính tỉ giá lạm phát, doanh thu của King Kong 1976 tương đương 377 triệu USD hiện nay.

Phần hai của King Kong phiên bản 1976 được làm sau 10 năm. Tác phẩm có nhan đề King Kong Lives (1986). Bộ phim trình làng vợ của Kong. Theo kịch bản, Quý bà Kong chào đời ở hòn đảo Borneo ở châu Á và sinh cho Kong một bầy con khổng lồ.

Bị giới phê bình chỉ trích thậm tệ, King Kong Lives thất thu thảm hại ở phòng vé. Từ đó, không có câu chuyện nào kể về Kong trong gần 20 năm kế tiếp.

Năm 2005, chuyện gốc King Kong (1933) lần thứ ba được làm lại trong bộ phim của đạo diễn Peter Jackson. Trong phim này, tài tử Andy Serkis hóa thân thành quái vật Kong. Phim sử dụng công nghệ mô phỏng động tác loài vật (motion-capture). Đây là công nghệ hiện đại và tinh vi nhất hiện nay trên màn bạc. 

Nhờ công nghệ hiện đại, King Kong 2005 có những pha hành động mãn nhãn và gây choáng ngợp. Phim có ngân sách 207 triệu USD sau đó thu về 550 triệu USD, là thành công lớn của hãng Universal.

Cảnh hành động trong phim 'King Kong' (2005)
 
 

Cảnh hành động mãn nhãn trong King Kong (2005). Trong cảnh này, quái vật Kong giao chiến với ba con khủng long để cứu người đẹp.

Năm 2015, dự án mới nhất về quái vật Kong mang tên Kong: Skull Island được khởi động. Phim do đạo diễn Jordan Vogt-Roberts (áo đỏ) làm đạo diễn. Tác phẩm sử dụng ba bối cảnh gồm Hawaii (Mỹ), Australia và Việt Nam. Những bối cảnh ở Việt Nam có tầm quan trọng đặc biệt trong phim, được dùng là quê hương của loài vượn khổng lồ. Phim kể về nguồn gốc xuất xứ của quái vật Kong. Đạo diễn Jordan chia sẻ rằng quái vật Kong sẽ được làm kỹ xảo và sau đó tích hợp vào các cảnh quay ở Việt Nam. Phim dự kiến ra mắt vào tháng 3/2017. 

Vũ Văn Việt