Thứ năm, 28/3/2024
Thứ năm, 23/10/2014, 17:07 (GMT+7)

Bi kịch tình yêu 'Rừng Na-Uy' tái hiện qua múa đương đại

Hình ảnh quá khứ và hiện tại đan xen, hòa quyện trong những giai điệu xưa cũ và ánh sáng le lói tạo nên sức ám ảnh cho người xem màn trình diễn múa "Những vì sao đi vắng" tối 22/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ Hà Nội.

Tối 22/10 tại Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội), các nghệ sĩ quốc tế đã gây ấn tượng khi thể hiện hai tác phẩm Without Stars (Những vì sao đi vắng) There We Have Been (Nơi ta từng bên nhau). Đây là hai tác phẩm của biên đạo nổi tiếng James Cousins lấy cảm hứng từ câu chuyện tình yêu trong tiểu thuyết Rừng Na-Uy. Không chỉ được hồi tưởng về những trang sách yêu thích một thời, khán giả còn được tiếp cận với những nhân vật như Wantanabe hay Naoko theo một cách khác biệt.

Màn biểu diễn Without Stars kéo dài 45 phút là cuộc đấu tranh tâm lý của nhân vật Wantanabe trong Rừng Na-Uy với những giằng xé, ám ảnh về cái chết của người bạn thân cũng như nỗ lực tuyệt vọng kéo người mình yêu trở về với thực tại. 

Xen giữa cuộc đấu tranh ấy là những cám dỗ với đại diện là nhân vật người bạn Nagasawa, cùng những trầm cảm, suy sụp mà Naoko phải đối mặt sau cái chết của người bạn trai cũ Kizuki.

"Bóng đen" của quá khứ cùng những ham muốn của hiện tại đan xen vào nhau khiến nhân vật rơi vào hoàn cảnh bế tắc. Mỗi khi vùng vẫy tìm cách thoát ra khỏi một trong hai nỗi sợ hãi, đau khổ, anh nhanh chóng bị điều còn lại cuốn đi.

Hiệu ứng âm thanh và ánh sáng đem lại nhiều trải nghiệm khó quên cho khán giả. Giai điệu ca khúc You Always Hurt the Ones You Love phát trên tiếng radio đặc biệt tạo nên sức ám ảnh lớn xuyên suốt phần một của show diễn.

Nếu Without Stars dựa trên chính lời kể của Haruki Murakami để tạo nên câu chuyện, There We Have Been lại đem lại cái nhìn mới mẻ cho cuộc tình mong manh giữa Naoko và bạn trai cũ Kizuki.

Sự đồng điệu giữa hai con người yếu ớt, lạc lõng trong cuộc sống tạo nên mối dây đồng cảm lớn giữa Naoko và Kizuki. Thậm chí, sự đồng cảm ấy còn khiến hai người như lạc vào một thế giới hoàn toàn tách biệt. Sự thể hiện của các nghệ sĩ như Gareth Mole, Chihiro Kawasaki, Georges Hann hay Albert Garcia cũng tạo nên những kịch tính hấp dẫn cho chương trình, đặc biệt ở những trường đoạn miêu tả sự đối lập trong suy nghĩ của các nhân vật.

Hai vở diễn của James Cousins thu hút khán giả không chỉ nhờ việc khai thác nội dung từ một cuốn sách được nhiều người yêu thích. Cách khai thác góc nhìn khác biệt của hai nhân vật cùng quyết định chọn đoạn trích trong tiểu thuyết dựng thành vở múa giúp cho thông điệp về tình yêu của James Cousins trở nên gần gũi với mọi đối tượng khán giả.

Bên cạnh đó, thông qua loại hình nghệ thuật mang tính tự do cao như múa đương đại, James Cousins đem lại hơi thở hiện đại đồng thời tạo ra sự đa nghĩa, đa chiều trong nội dung các tác phẩm. "Múa đương đại vốn là loại hình nghệ thuật khó tiếp cận đối với nhiều người. Để hiểu được hết ý nghĩa, khán giả cần phải để tâm trí trở nên tự do để hòa mình với vở múa. Vấn đề không phải việc bạn hiểu nội dung có đúng hay không mà muốn hiểu theo cách nào. Khi ấy, mọi người sẽ thưởng thức được các tác phẩm một cách tốt nhất", biên đạo múa James Cousins tâm sự.

Đức Trí
Ảnh: British Council