Thứ năm, 25/4/2024
Thứ tư, 10/5/2017, 16:26 (GMT+7)

Lê Thiết Cương tiếc nuối trước sự mai một của các làng nghề cổ

Họa sĩ cùng bạn thân thực hiện triển lãm nghệ thuật với các sản phẩm hiện đại làm từ chất liệu dân gian như gốm Bát Tràng, sơn mài Phú Xuyên.

Sáng 10/5, họa sĩ Lê Thiết Cương (trái) và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt ra mắt triển lãm nghệ thuật Múa đôi. Triển lãm bao gồm các tác phẩm của hai nghệ sĩ được thực hiện trong hơn 10 năm qua. Lê Thiết Cương cho biết anh vốn đi theo trường phái tối giản còn Đinh Công Đạt lại thiết kế tác phẩm theo xu hướng cầu kỳ. Sự tương phản về phong cách này giúp bộ đôi tôn lên cá tính nghệ thuật của từng người, đặc biệt là khi các tác phẩm được xếp cùng nhau.

Lê Thiết Cương đau lòng khi các làng nghề cổ dần biến mất
 
 

Lê Thiết Cương cho biết sự kiện trưng bày của anh và Đinh Công Đạt còn nhằm cảnh tỉnh các làng nghề truyền thống của Việt Nam. Họa sĩ tâm sự đợt Tết Nguyên Đán vừa qua, khi đi tìm chất liệu để hoàn thành sản phẩm, anh phát hiện các nghề sản xuất liên quan đến mỹ thuật truyền thống đều dần mai một và thấy tiếc nuối vì điều này.

Dù theo đuổi trường phái nghệ thuật khác biệt, Lê Thiết Cương cho biết anh và Đinh Công Đạt có điểm chung là cùng thích tạo ra các sản phẩm, tác phẩm mang hơi hướng hiện đại với chất liệu dân gian, hoài cổ.

Với Lê Thiết Cương, anh sử dụng màu sơn mài cổ được truyền qua nhiều đời của một ngôi làng ở Phú Xuyên. Trong khi đó, Đinh Công Đạt góp nhặt những món đồ cũ như chiếc mâm, cái thớt... của một địa phương, dân tộc thiểu số nào đó để tạo nên sản phẩm mới.

Gây chú ý trong buổi triển lãm là chiếc ghế thép do Đinh Công Đạt thực hiện. Nhà điêu khắc cho biết tác phẩm này có giá bán là 5.000 USD (khoảng 113 triệu đồng), đắt nhất trong các mẫu thiết kế của anh tại triển lãm. Tác phẩm hiện đã có người mua.

Đinh Công Đạt kể: "Chiếc ghế này là ý tưởng 'dở hơi', nảy sinh trong lúc quá nhàn rỗi của tôi. Hôm đó, tôi tới một xưởng thép, thấy những người thợ ở đó gia công đẹp quá thì sướng phát điên. Tôi tự nhủ mình phải làm ra một tác phẩm gì đó mang được hơi thở lúa nước truyền thống trên chất liệu đậm đặc tính công nghiệp như thế".

Nhà điêu khắc và một người thợ nữa hoàn thành tác phẩm trong khoảng một tháng rưỡi. Điểm đặc biệt của chiếc ghế này là hình ảnh cua, ốc, lá khoai... vốn đặc trưng cho nền nông nghiệp Việt Nam. Đinh Công Đạt cho biết chiếc ghế này có thể chịu được sức nặng của từ năm đến 10 người. Phần mặt ghế được anh làm bằng chất liệu plexiglass (nhựa chuyên nghiệp) dày để đảm bảo được mức chịu lực.

Chiếc hộp đựng nữ trang của Đinh Công Đạt cũng gây thích thú với nhiều khán giả. Nhà điêu khắc đã sử dụng lá cây thuốc lá để ốp lên phần mặt trên, mài đi rồi dùng sơn mài phủ lên nhiều lần.

Các sản phẩm của Đinh Công Đạt và Lê Thiết Cương được đặt cùng nhau, giống như một màn "múa đôi" về mỹ thuật. Trong ảnh là chiếc ghế sắt của Lê Thiết Cương, được thực hiện từ năm 2001 và nằm trong bộ sưu tập gồm 49 sản phẩm sơn màu của anh.

Chiếc bình gốm cũng do họa sĩ Lê Thiết Cương thực hiện. Tác giả cho biết chiếc bình được anh làm từ gốm của làng cổ Bát Tràng, màu lấy từ sơn mài Phú Xuyên, nằm trong bộ sưu tập bình sơn mài được thực hiện cách đây khoảng chục năm.

Bộ bình của Lê Thiết Cương có hình dáng lấy cảm hứng từ hạt gạo, quả cau, quả nhót, đu đủ... Họa sĩ cho biết các tác phẩm có một khuôn tạo hình chung nhưng phần màu lại được làm hoàn toàn thủ công. Do đó, mỗi chiếc bình đều có sự độc đáo, riêng biệt. Anh đùa với giá bán khoảng 600 USD (13,6 triệu đồng), hiện chưa có ai ngỏ lời mua những sản phẩm này.

Triển lãm Múa đôi được tổ chức từ ngày 10 đến 13/5 tại Hà Nội. Chiều 11/5, họa sĩ Lê Thiết Cương và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt sẽ có buổi giao lưu với khán giả về chủ đề "Design Thinking" (Tư duy thiết kế) tại nơi tổ chức triển lãm.

Đức Trí