Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ sáu, 13/6/2014, 18:00 (GMT+7)

9 sản phẩm thời trang sản sinh từ công nghệ cao

Nhờ áp dụng công nghệ hiện đại vào ngành công nghiệp thời trang, người tiêu dùng được trải nghiệm nhiều món đồ tiện dụng làm từ chất liệu vải chống nước, vải in kỹ thuật số, 3D...

1. Vải chống nước

Chariot, một dự án của KickStarter, đã sử dụng kỹ thuật kỵ nước nano, phủ một lớp silica rất mịn, để biến mẫu vải 95% cotton trông như vải sợi bình thường, thành ra không thấm nước nhưng vẫn thoát hơi ẩm tốt.

Khi rơi trên chất liệu này, nước sẽ trượt thành những hạt nhỏ như trên kính. Đây được xem là một sự đổi mới đáng ghi nhận trong ngành thời trang, giúp quần áo lâu bẩn hơn. Tuy nhiên, ưu điểm này vẫn chưa là vĩnh viễn bởi sau khoảng 80 lần giặt, trang phục sẽ mất đi lớp nano bảo vệ chúng khỏi dính nước. Càng ngày, các nhà khoa học càng cải tiến sao cho số lần giặt được ngày càng nâng lên.

2. Phòng thử đồ ảo

Không giống như nhiều công nghệ cao khác cần trải qua nhiều nghiên cứu và thử nghiệm trước khi được áp dụng rộng rãi, phần mềm phòng thử đồ ảo được các cửa hàng thời trang chào đón và áp dụng nhanh chóng. Được tạo ra ban đầu nhằm mục đích tạo thuận lợi cho khách hàng mua sắm trực tuyến và giảm tỷ lệ trả hàng, phòng thử đồ ảo cho phép khách hàng thử mọi mẫu quần áo mình thích với các số đo chính xác theo cơ thể. Từ đó, khách hàng có thể đưa ra nhận xét nhanh chóng mà không mất quá nhiều thời gian.

3. Kỹ thuật may thông minh

Nhà thiết kế kiêm kỹ thuật viên Ấn Độ Siddhartha Upadhyaya, thuộc nhãn hiệu thời trang thân thiện môi trường August Fashion, đã nảy ra ý tưởng kết nối khung dệt vải tự động với một hệ thống máy tính. Chỉ với một phần mềm, DPOL (Direct Panel On Loom - bảng điều khiển trực tiếp trên khung dệt) sẽ cho phép các nhà thiết kế tạo ra được những mẫu vải với kích thước chính xác và vừa vặn nhất để hoàn thiện một bộ trang phục, không cần phải qua khâu cắt vải. Điều này sẽ giúp tiết kiệm đáng kể những nguyên liệu thô ban đầu.

4. In 3D

Ngày nay, nhiều nhà thiết kế đã ứng dụng thành thạo kỹ thuật in 3D để tạo ra những kiệt tác in nổi hình khối ba chiều trên trang phục, gây ấn tượng trong mắt khán giả. 

So với những kiểu mẫu thông thường như thêu, đính đá, cut-out… việc dập nổi hoa văn đã mở ra một hướng đi mới giàu tính nghệ thuật và sáng tạo hơn cho các nhà thiết kế. Trong tương lai, công nghệ này sẽ được mở rộng sang cả ngành phụ kiện thời trang như giày dép, túi xách.

5. Nhuộm không cần nước

Nhuộm không cần nước là một kỹ thuật thời trang theo xu hướng gần gũi với môi trường tự nhiên. Thực chất, kỹ thuật này chỉ giúp giảm lượng nước và năng lượng cần cho một lần nhuộm vải nhờ sử dụng khí CO2 siêu tới hạn (scCO2) thay vì nước hòa tan chất nhuộm. Khí CO2 là một nguồn nguyên liệu vô tận để làm việc này, giúp giảm thải lượng khí thải ô nhiễm môi trường. AirDye và DyeCoo là hai công ty đi tiên phong trong công nghệ mới này.

6. Sợi tre

Một bước tiến mới nữa được ghi nhận khi vật liệu "xanh" thân thiện với môi trường ngày càng được tìm tòi và ứng dụng nhiều hơn nữa là sợi vải tre. Thừa hưởng đặc tính tự nhiên của cây, chất liệu mới này có nhiều điểm ưu việt như tính hút ẩm và kháng khuẩn cao, bền màu, bóng mịn, thậm chí còn chống được tia UV. Không chỉ đơn thuần 100% dệt từ tre, sợi tre còn có thể kết hợp với các loại sợi truyền thống như cotton, lanh… Việc trồng tre lấy nguyên liệu thô cũng được đánh giá là ít gây ô nhiễm môi trường hơn trồng bông vải.

7. In kỹ thuật số

Tương tự như nhuộm không nước, in kỹ thuật số cho phép các nhà thiết kế in trực tiếp những hoa văn, họa tiết, hình ảnh lên vải, thậm chí sau khi đã hoàn thành trang phục. Điều này đảm bảo được rất tốt chất lượng màu và độ sắc nét của hình ảnh trên vải. 

Không những thế, công nghệ này giúp tiết kiệm 95% lượng nước dùng trong nhuộm truyền thống và 75% năng lượng. Những ưu điểm đó là lý do in kỹ thuật số ngày càng chiếm vai trò quan trọng trong các xưởng thiết kế ngày nay. Điển hình như nhà mốt danh tiếng Alexander McQueen đã ứng dụng triệt để kỹ thuật này từ nhiều năm nay.

8. Trang phục làm từ vật liệu tái chế

Không phải rác thải nào cũng phải bỏ đi, những vật liệu như chai nhựa, nylon, giấy báo cũ… có thể được tái sử dụng trong ngành thời trang nếu được trải qua một công đoạn phân loại, làm sạch và sử dụng công nghệ cao để đưa về nguyên liệu thô ban đầu. 

Đây là một khuynh hướng thời trang thân thiện và bảo vệ môi trường nên ngày càng được quan tâm và ưa chuộng. Thậm chí, thị trường đã xuất hiện nhiều nhãn hàng thời trang chuyên về loại vật liệu tái chế này như Ecoist, Lunar Bar hay Aveda…

9. Vải làm từ trà lên men

Tương tự như sợi tre, "nuôi trồng trang phục" - sử dụng nguyên liệu trà lên men (kombucha) - để làm vải may áo là một tiến bộ đáng kể, một thành công của nhà thiết kế thời trang kiêm nhà sinh học Suzanne Lee. Với Suzanne, nguyên liệu sinh học trong tương lai có thể được ứng dụng để tạo ra nhiều sản phẩm tiêu dùng khác. Sắp tới, cô còn dự định cho ra đời sản phẩm giả da được làm từ thực vật.

Sao Mai