Thứ năm, 25/4/2024
Thứ bảy, 13/6/2015, 00:09 (GMT+7)

10 vai diễn biểu tượng của Sir Christopher Lee

Qua đời ở tuổi 93, sau bảy thập kỷ đóng phim, nam diễn viên nổi tiếng thánh thiện của xứ sương mù ghi dấu ấn lên thế kỷ 20 như một trong những tài tử phản diện xuất sắc.

Sinh năm 1922, lên màn ảnh lần đầu năm 1947 sau một lần tình cờ được bạn thân giới thiệu, Christopher Lee trở thành người lưu giữ ký ức của điện ảnh thế kỷ 20 qua hơn 170 vai diễn trong hàng loạt phim đa dạng. Dracula (hình) là vai diễn Lee hóa thân 10 lần từ những năm 1950 đến 1970. Lần đầu tiên ông làm ma cà rồng trong phim The Horror of Dracula (1958). Chỉ xuất hiện trong bảy phút nhưng nhân vật này trở thành biểu tượng gắn liền với tên tuổi nam diễn viên. Ma cà rồng của Christopher Lee được đánh giá vừa quyến rũ vừa đáng sợ, khác với hình ảnh ma cà rồng chỉ gây khiếp hãi trong phim câm đen trắng trước đó. 

Sau khi nổi tiếng với vai diễn ma cà rồng, Christopher Lee nhận được nhiều vai diễn thể hiện quái vật như Frankenstein hoặc xác ướp Ai Cập trong phim The Mummy (1959). Trong tác phẩm này, ông phải đắp rất nhiều lớp bột và mặc trang phục nặng nhưng vẫn để hở mắt để nhìn được khán giả. Sau này tài tử nhớ lại, đây là vai diễn thử thách ngoại hình nhất. Trong phim có cảnh ông phải nâng bổng bạn diễn - minh tinh Yvonne Furneaux - dưới lớp hóa trang cồng kềnh.

Với lợi thế ngoại hình (cao 1,94 m) và âm giọng hay của một ca sĩ opera, Christopher Lee được chọn cho nhiều vai diễn đa dạng. Lee là người đầu tiên hóa thân thành thám tử Sherlock Holmes trên màn ảnh, với phim điện ảnh Sherlock Holmes and the Deadly Necklace (1962). Đầu những năm 1990, ông lại quay trở lại vai thám tử nước Anh nổi tiếng trong phiên bản truyền hình. Năm 1970, ông cũng hóa thân thành người anh trai của Sherlock Holmes - Mycroft - trong tập phim về đời tư của nhân vật có nhan đề The Private Life of Sherlock Holmes.

Christopher Lee vào vai ác sư người Hoa - Fu Manchu - trong bốn bộ phim điện ảnh The Brides of Fu Manchu, The Vengeance of Fu Manchu, The Blood of Fu Manchu, và The Castle of Fu Manchu. Dưới lớp hóa trang và mí mắt giả, Lee làm sống lại nhân vật hư cấu được đánh giá là một trong những ác nhân khét tiếng nhất đầu thế kỷ 20 bước ra từ loạt tiểu thuyết của văn sĩ Anh - Sax Rohmer.

Lão sư điên Rasputin trong Rasputin the Mad Monk (1966) tiếp tục thể hiện đẳng cấp diễn vai phản diện của Christopher Lee. Nhân vật sát nhân hàng loạt người Nga của Christopher Lee không gây ấn tượng với người xem ở vẻ ngoài dị dạng mà bằng những hành động tàn sát khiếp đảm.

Trong bộ phim cổ trang The Three Musketeers (1973), Christopher Lee hóa thân thành nhân vật Rochefort đối đầu với ba chàng lính ngự lâm. Vai diễn gây ấn tượng với người xem bằng màn múa kiếm điêu luyện và kết cục bi thảm.

Trong The Man With the Golden Gun (1974), Christopher Lee trở thành địch thủ của điệp viên 007 James Bond. Trong khi Roger Moore hóa thân thành Bond, Lee biến thành tên sát nhân Francisco Scaramanga. Ông được trả 40.000 bảng Anh cho vai diễn này. Đây là mức thù lao cao nhất trong toàn sự nghiệp diễn xuất của tài tử.

Trong phim The Wicker Man (1975), Lee vào vai kẻ thờ phụng dị phái bí ẩn chuyên thực hiện những nghi lễ liên quan đến gái trinh trên một hòn đảo vắng ở Scotland. Ông khẳng định đây là tác phẩm yêu thích nhất.

Đầu thế kỷ 21, khi đã gần 80 tuổi, Christopher Lee vẫn tỏa sáng trên màn ảnh rộng khi hóa thân vào vai pháp sư độc ác Saruman trong phim The Lord of the Rings (2001). Saruman là lão phù thuỷ chuyển từ tốt sang xấu, một ác nhân khôn ngoan và mạnh mẽ. Christopher Lee là người duy nhất trong đoàn làm phim The Lord of the Rings từng gặp gỡ đại văn hào Anh - J.R.R.Tolkien.

Năm 2002, ông tiếp tục hóa thân vào vai ác Darth Tyranus trong phim Star Wars: Episode II - Attack of the Clones (2002). Bảy thập kỷ đóng vai ác, ngoài đời ông được coi là con người có lối sống mẫu mực và thánh thiện. Ngày 7/6, nam diễn viên gạo cội qua đời ở tuổi 93 khi vẫn đang ghi hình dở một phim Hollywood. Tài tử từng chia sẻ: "Tôi hy vọng sẽ có lúc ai đó tóm tắt sự nghiệp của tôi rằng: Ông ấy thật khác biệt. Vậy là tôi thoả mãn lắm rồi!".

Vũ Văn Việt